Nhật Ký





GHI CHÉP TỪ CHUYẾN ĐI TỪ THIỆN HÒA BÌNH, SƠN LA Phan Thị Thanh Mai 
 Theo thông lệ, cứ mỗi dịp xuân sang Tập đoàn KTHG lại tổ chức chuyến đi thăm hỏi và tặng quà cho những người nghèo, hoặc những bệnh nhân nghèo, không nơi nương tựa trong các bệnh viện. Lần này, sau cuộc họp Ban lãnh đạo đầu xuân, chủ tịch HĐQT chỉ đạo chuyến đi từ thiện lần này là vùng Tây Bắc. Nhận nhiệm vụ mà lòng tôi không khỏi lo lắng và bỡ ngỡ, vì đây là lần đầu tiên tôi tham gia tổ chức chuyến đi từ thiện và cũng chưa có dịp đến với núi rừng Tây Bắc. Do vậy tôi phải tìm đến cứu cánh của mình lúc này là anh X , người vốn đã rất quen tổ chức với những chuyến đi như thế này và nhờ đó mấy ngày sau tôi đã có một chương trình hoàn chỉnh cho chuyến đi. Bắt tay vào chuẩn bị, tôi đã phân bổ kinh phí và tìm nguồn mua hàng hợp lý cho những món quà dự định mua cho chuyến đi từ thiện này. Tôi tranh thủ vào những ngày nghỉ hay buổi tối sau khi đi làm về, lăn lóc tìm nguồn hàng tốt mua được giá rẻ để bà con có thêm phần quà với kinh phí đã được ấn định. May mắn cho tôi đã được sự giúp đỡ, ủng hộ của một số người bán có hảo tâm như chị H, chuyên may áo quần bán buôn ở làng Vạn Phúc, hay công ty Gạo F…Ngoài kinh phí của Tập đoàn chuẩn bị đủ cho 60 suất quà cho hộ nghèo, 20 suất cho học sinh nghèo vượt khó. Tập đoàn tổ chức cuộc quyên góp của CBNV ủng hộ thêm 60 suất quà cho học sinh. Mấy ngày trước chuyến đi, chúng tôi đã tiếp nhận thêm kinh phí để chuẩn bị 15 suất quà cho hộ nghèo và các suất quà bằng hiện vật khác nữa từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài công ty.  gần đến ngày đi số lượng quà đóng góp càng tăng lên. Việc tổ chức, phân loại quần áo, sách vở, đóng gói quà đã được CBNV phòng HCNS của Tập đoàn hoàn tất từ chiều hôm trước chuyến đi. Đúng 5 h ngày 18/2/2012 đoàn xe gồm 3 xe rời Hà Nội lên đường đi Sơn La. Đoàn đi gồm có 11 người, 8 người thuộc Tập đoàn và anh X, M, và đặc biệt có sự tham gia của thầy Nguyên Đăng, đang học Tiến sĩ Phật học tại Thái Lan đi cùng. Thật không may, ngay tối trước khi đi cả tôi và anh X đều bị ốm và sốt cao. Đến cận giờ đi tôi nghĩ, chắc vỡ chương trình mất vì xe bên này là xe của anh X nên chỉ có tôi hoặc anh X lái. Tôi là Trưởng đoàn và người dẫn đoàn lại là anh X, trong lúc tất cả mọi người trong Tập đoàn chưa bao giờ từng đến những nơi trong chương trình cả. Đến giờ phút chót, tôi dậy sớm hồi hộp nghe tin của anh X. Khi anh ấy quyết định đi, tôi như cất được gánh nặng trong lòng, thật chẳng khác nào chơi trò ú tim. Lúc này tôi lái xe đi đón sư thầy, vì tôi ốm nhẹ hơn. Quên đi hết mệt nhọc , chúng tôi lên đường. Tôi dẫn xe tải chạy trước, còn chiếc xe đón chủ tịch chạy sau. Sáng tinh mơ, mưa phùn lất phất, ba chiếc xe lăn bánh nối đuôi nhau chạy đường vòng đi qua Thanh Sơn, Phú Thọ để lên Sơn La, tránh đường bị sạt lở Km 138 đường lên Sơn La. Lên đến vùng đất Sơn La thì cũng đã gần 12 h trưa, tất cả chúng tôi đều đói và mệt vì hầu như chưa ai ăn sáng. Mặc dù vậy nhưng chẳng ai muốn dừng lại dọc đường để ăn. Chỉ mong đến đúng hẹn với bà con và các em học sinh ở Sơn La đang chờ đợi mình. Tuy xuất phát trước giờ dự kiến 01 h đồng hồ nhưng vì chạy đường vòng cả trăm cây số nên thời gian dự kiến bị lệch khoảng vài tiếng. Vì vậy chúng tôi đã cố hết mức có thể. Có lẽ không nói ra nhưng mọi người trong đoàn đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi non kỳ vĩ của vùng đất Sơn La. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, mây vờn ôm ấp núi như ve vuốt những con đường chúng tôi đi.

 Thỉnh thoảng đây đó có những cây đào, cây mận nở rộ hai bên đường, tôi không khỏi reo lên vì thán phục bởi vẻ đẹp thanh tao và cao quý của nó. Ven theo dốc núi là hồ chứa nước của Thủy điện Sơn La trong xanh in bóng núi… như một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Một chút tự hào về quê hương đất nước Việt Nam len lỏi trong tim như đang khích lệ tinh thần khiến tôi không còn biết ốm và mệt là gì nữa. Thầy Nguyên Đăng phải thốt lên bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi. ***  lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. *** Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ? Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa? Khoảng gần 13 h chiều đoàn chúng tôi đến Bản Nà Sản trao 15 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường Tiểu học Nà Sản ; 13h30: Trao 15 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường Tiểu học Nà Cang, 20 suất quà (áo khoác nam nữ) cho giáo viên và một số người nghèo; 14h00: Trao 10 suất quà cho hộ nghèo tại bản Noòng Khoang... Do thời gian có hạn, không thể đến từng nhà các hộ nghèo và các Trường học được nên chúng tôi đề nghị các hộ gia đình nghèo và các em học sinh ở Sơn La tập trung tại các Ủy Ban, nhà văn hóa để trao quà . Sau khi trao quà xong thì chúng tôi được Trưởng Bản mời lại ăn cơm trưa tại nhà. Bữa cơm giao lưu gắn bó thắm đượm tình người tại nhà Trưởng Bản khiến cho anh em trong đoàn như lấy lại được tinh thần sau một chuyến đi dài… Quên đi hết mệt mỏi đoàn lại tiếp tục hành trình của mình… 16h00: Nhóm tình nguyện trao quà tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu ( 20 suất quà cho hộ nghèo và 18 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó). 16h30: Trao quà tại xã Chiềng On, huyện Yên Châu ( 20 suất quà cho hộ nghèo và 15 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó). Tối đó, chúng tôi ở lại giao lưu văn hóa cùng múa xòe, uống rượu cần, và giao lưu với dân bản. Không ai nói hết được niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người dân ở Bản. Một chút men say ngả nghiêng bên điệu múa xòe lãng mạn trong đêm giá lạnh của miền sơn cước khiến anh em trong đoàn hòa nhịp với điệu cồng chiêng dồn dập . Trai bản, gái bản, anh em trong đoàn cùng nắm tay nhau bên chén rượu nồng chúc nhau may mắn đầu năm như làm cho không gian được ấm lại, gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và ấm áp tình người hơn. Càng về đêm, dân bản lại kéo về nhà văn hóa xã đông hơn, như thể vũ hội lớn của dân bản bây giờ mới thực sự bắt đầu. Một số vị Ban lãnh đạo xã tay cầm chén rượu, nhảy theo vũ điệu giữa vòng tròn và chúc rượu từng người và chúc nhau được may mắn. Hai chàng trai bản kéo tôi vào và dạy tôi nhảy thế nào để không lạc điệu. Lần đầu tiên trong đời tôi bước chân lên mảnh đất này với biết bao tình cảm chân thật và gắn bó như vậy. Thay mặt đoàn tôi cảm ơn dân bản Chiềng On. Đến 8h 30 phút, đoàn chúng tôi xin phép về nghỉ ngơi để sáng sớm mai tiếp tục cuộc hành trình trở về Hòa Bình như đã dự kiến. Sáng 7h, chúng tôi lại tiếp tục trở về Hòa Bình theo con đường tránh. Đến 14h00 đoàn xe chúng tôi mới tới Tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn tại xóm Mọn (xã Thu Phong) :10 suất quà hộ nghèo. Xóm Thà (xã Bắc Phong) 18 suất quà hộ nghèo, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Anh H Chủ tịch và một số thành viên trong đoàn vào từng hộ gia đình để phát quà. Đến xóm Mọn thì xe tải của chúng tôi bị thủng lốp. Khó khăn bắt đầu từ đây. Chúng tôi phải loay hoay mãi mấy tiếng đồng hồ mới cho người sửa được xe. Tôi đành chỉ đạo chia đoàn ra hai hướng. Tôi và một số người khác chuyển quà của học sinh lên xe con đến tặng quà cho Trường tiểu học Độc Lập thuộc huyện Cao Phong hoặc huyện Tân Lạc, 30 suất quà học sinh , 04 suất quà cho giáo viên, 6 h 05 phút chúng tôi mới vào đến trường. Còn anh H và những người ở lại tiếp tục phát quà và đi đến các hộ nghèo. Đến 19 h 30 tất cả chúng tôi đều trở về Trung tâm thanh thiếu niên Tỉnh Hòa Bình để gửi lại những phần quà dự phòng ngoài chương trình để cho các chị ở Trung tâm ngày hôm sau tiếp tục phát thêm cho học sinh, giáo viên và hộ dân nghèo khác. 22 h 30:
Đoàn về Hà Nội. Đúng 12 h đêm chúng tôi mới về đến nhà. Ra về, một cảm giác buồn vui lẫn lộn như đan xen trong lòng tôi. Tôi nhớ đến những gương mặt lem luốc ngơ ngác nhìn chúng tôi khi chúng tôi bước xuống xe. Tôi phải nói lời xin lỗi đối với các em vì đã để các em Trường Độc Lập phải chờ chúng tôi quá lâu. Trường xa ,một ngôi trường heo hút. Một con đường mòn men theo dãy núi chạy xuyên qua. Con đường buồn thiu, lau lách mọc đầy. Khu làng nhỏ vắng lặng, thiếu đi tiếng vui đùa, thiếu đi tiếng cười ngập nắng của lũ trẻ nơi đây. Cuộc sống mưu sinh qua ngày đang lấy đi mất tuổi thơ của các em. Những gương mặt, những ánh nhìn, trong sáng nhưng thoáng buồn.
Tôi trở về cuộc sống hào nhoáng của thành phố, với những ồn ào và chật chội, trong lòng ngập tràn những cảm xúc khó gọi tên. Những ánh mắt, những câu chuyện cứ khiến người ta trăn trở suy nghĩ. Những đứa trẻ ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm… giữa cái trời giá lạnh miền Tây bắc mà ngay cả chúng tôi cũng không chịu nổi được cái giá rét vùng đất nơi đây. Đoàn chúng tôi lại có thêm vài người ốm… Tôi thật sự cảm ơn những tấm lòng nhiệt tình của anh em trong đoàn đã không ngại gian khổ để có được chuyến đi trọn vẹn và tốt đẹp đến như vậy. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hài lòng vì đã hiểu rằng trong đêm giá lạnh của miền Tây Bắc…đã có một số gia đình …cái lạnh đã bớt lạnh hơn, cái đói cũng bớt đói hơn…bởi sự sẻ chia hơi ấm tình người…gửi về từ Hà Nội.

No comments:

Post a Comment

Your comment: