Hạt Giống Tâm Hồn



8 Lần Nói Dối Trong Cuộc Đời Người Mẹ
***********************
Thuở nhỏ, gia đình cậu rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi cơm đủ ăn, mẹ lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói! - Lần nói dối đầu tiên của Mẹ.

Khi cậu lớn dần lên, người mẹ tảo tần tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô mò thêm ít cua, ốc về cho con. Món canh
cua đồng thật ngon. Khi các con xì xụp ăn, mẹ ngồi một bên rệu rã với chút rau khoai luộc. Khi cậu đưa bát để xin thêm ít cơm, mẹ húp nốt những mạnh cặn canh cuối cùng. Cậu xót xa, liền lấy chén canh đổ vào bát mẹ. Mẹ không ăn, lại chan trả về bát cậu. Mẹ bảo: mẹ không thích ăn cua, chỉ vì không muốn cơm mới bị lẫn với chỗ canh thừa - Lần thứ hai Mẹ nói dối !

Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối. Một buổi tối đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu nhợt nhạt. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ chỉ cười: Con cứ ngủ đi, mẹ bị mất ngủ nên không buồn ngủ - Mẹ lần thứ ba nói dối !

Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, cả đêm trước hì hụi nấu trõ xôi Đỗ, để sáng dậy con ăn như chúng bạn vẫn kháo nhau. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc, mẹ mong ngóng từng khắc phía ngoài phòng thi. Tiếng chuông hết giờ đổ vang. Mẹ dang rộng cánh tay ôm đứa con trai bé nhỏ, trong tay mẹ là bình trà pha sẵn mẹ đã ướp hoa từ độ tuần trước. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà nhỏ bằng thủy tinh nhỏ trong suốt, một trong những thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, mời mẹ uống. Mẹ bảo: Mẹ đợi con, vừa được bác đứng cạnh mời uống rồi, con uống đi, mẹ không khát - Lần thứ tư Mẹ nói dối !

Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá, tần tảo ngày này qua tháng khác. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người gắn bó trước lâu rồi cũng sinh cái tình, huống chi mẹ cảm động trước tình cảm chân thành, chất phác của chú Lý lắm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, để có người san sẻ. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn vậy, kiên quyết ko đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ thì mẹ bảo: các con còn bé, nhỡ phải chịu điều tiếng gì, mà tôi cũng coi chu Lý như là anh em trong nhà cả thôi - Mẹ nói dối lần thứ năm !

Sau khi anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ, nhưng một thân một mình, cũng có tuổi, mẹ mắt đã kém, chân tay cũng còn dẻo dai như trước, việc cũng dần ít đi. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: các con mới ra đời, cần nhiều khoản chi tiêu, nào có đầy đặn gì. Mà mẹ bây giờ tháng đi chợ cũng có thiếu gì tiền cả. Cứ cầm lấy - Lần thứ sáu mẹ nói dối !

Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty chuyên về nghiên cứu. Khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng. Nhưng không hiểu mẹ nghe đâu, rằng công việc của con trai cần sự tập trung cao, chẳng có nhiều thời gian, mà thủ tục mọi thứ sang Mỹ rất tốn kém, phức tạp. Mẹ nghe vậy, nhất quyết từ chối: tao sống ở đây nó quen rồi, tao không đi đâu cả. Dù đêm đêm mẹ ở một mình, mắt mẹ mờ đi vì thương nhớ đứa con trai bé nhỏ của mình đã xa cách bao lâu - Mẹ lại một lần nữa nói dối !

Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ đã già và yếu lắmi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ mở mắt, cố gượng thều thào bảo cậu: Con đừng lo, mẹ chẳng đau chút nào đâu con...

Và đây là lần nói dối cuối cùng của MẸ.

(Sưu tầm từ trang web Hoa Thủy Tinh



Đêm Cho Nỗi Buồn Rơi Xuống Vực Sâu!

Đêm! Trời mưa, lòng ta cũng mưa. Phố ướt, trái tim ta cũng ướt.
Bên ly cafe nguội đắng ngắt, nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh nỗi buồn rơi xuống vực sâu, mơ về nơi xa lắm.
Đêm! Chạm khẽ vào những nỗi buồn trong tim. Ta trở về là ta không tô vẽ.
Trong đêm tối khắc khoải chờ một tiếng rao đêm "Ai bánh bao nóng đây" tiếng rao vụt qua nhanh, đêm nào cũng lặp lại như thế, sao nghe vẫn xót xa.
Ly cafe đắng chát.
Đêm! Nghĩ về gia đình yêu thương trào nước mắt, thấy ta cần cố gắng.
Đêm! Chân thành muốn được nói lời cảm ơn và xin lỗi.
Cám ơn bố mẹ cho con cuộc sống - để biết buồn vui ước mơ hy vọng.
Cám ơn những người bạn thân luôn ở bên ta những lúc vui buồn, thành công, thất bại.
Cám ơn những người đã vô tình bước qua cuộc đời dạy cho ta những bài học cuộc sống, những bài học có sự chân thành, giả dối, có đắng cay ngọt ngào, có nước mắt niềm vui.
Xin được cúi đầu xin bố mẹ thứ lỗi cho những lúc dại khờ, nông nổi, cho phút giây lỗi lầm.
Xin lỗi những ai một lần nào đó trong đời ta đã vô tình, vô tâm làm tổn thương.
Đêm!
Đã đôi lần ta ước muốn lòng mình được bình yên như đêm. Đêm làm ta sợ bởi lòng nặng trĩu những nỗi buồn. Nỗi buồn không tên nhưng rất thật, rất sâu như những giấc mơ loang lổ chắp vá không đầu không cuối nhưng khi tỉnh dậy thấy ướt mồ hôi.
Đêm! Buông rơi những giọt nước mắt không níu giữ, cho đôi môi vị mặn.
Đêm!
Định nghĩa về cuộc đời với những ước mong đã đổ vỡ, về tương lai, về gia đình, về bạn bè, về những người đã đến và đi bên ta. Nhưng cuộc đời là bài toán khó, không có định nghĩa nào cho ta học thuộc.
Trống rỗng.
Vỡ tan.
Đêm!
Điện thoại đổ chuông. Bạn gọi về tư Seoul xa xôi. Bạn khóc. Ta khóc. Ta hiểu thấm thía sự lạnh giá cô đơn của bạn nơi xứ người. Ước muốn được nắm bàn tay bạn thật chặt, giữ bước chân bạn thôi chơi vơi. Gánh nặng cuộc sống oằn cong đôi vai bạn. Ta bảo bạn " Về đi". Bạn im lặng, nghẹn ngào. Sự im lặng nặng nề như tiếng thở dài. Biết làm gì cho bạn ngoài những lời an ủi mà ta biết không đủ đâu cho trái tim đang vụn vỡ. Vững vàng lên bạn nhé. Đêm nay, đêm mai, và những đêm sau nữa, cầu mong bạn tìm được sự bình yên.
Đêm vẫn mưa. Và lòng vẫn ướt. Thao thức mất ngủ. Check lại email của ngày xưa cũ. Tìm lại kỉ niệm đánh rơi. Nhìn sang nick bạn vẫn sáng đèn, status đầy tâm trạng. Biết hình như bạn đang buồn. Muốn lắm gửi lời hỏi thăm, sẻ chia quan tâm, dẫu biết rằng chẳng thể giúp bạn vui. Nhưng ngại ngùng! Chần chừ. Rồi im lặng. Vờ như không biết. Ngại! Ta và bạn không là xa lạ nhưng đâu đã kịp thân quen. Ngại! Bạn là con trai ta là con gái. Ngại! Sợ bạn nghĩ ta lắm chuyện tò mò. Thôi nói dăm ba câu chuyện phiếm. Chào bạn. Sign out. Lòng buồn nặng trĩu. Ta đã sống vô tâm thờ ơ như thế.
Đêm những tin nhắn gửi đi không được hồi âm. Ta buồn. Vì sao vậy? Ta không biết. Ta hiểu rất rõ không nên buồn vì một người bạn như thế. Bạn không trân trọng tình bạn của ta, thì thôi nhé. Ta không đủ kiên trì nữa rồi. Trái tim nhỏ bé lắm, hãy giữ tình yêu thương sự quan tâm để sống sao cho trọn vẹn với những người ta yêu thương. Từ nay bạn và ta hãy đứng bên lề cuộc sống của nhau bạn nhé. Đừng cố tình chạm vào tổn thương nhau. Nếu ngày nào đó, gặp nhau trên phố, chúng ta sẽ đi qua nhau, không cười, không chào nữa, cả cái vẫy tay cũng thôi, sẽ xa lạ như hàng nghìn những người xa lạ kia. Thế bạn nhé. Vô tình phải không bạn. Ta không thích sự hời hợt. Ta quá mệt mỏi rồi bạn có biết không ?
Đêm!
Nhớ về ngôi nhà nhỏ có vườn chanh chín cất giữ cả bí mật tuổi thơ. Nhớ cánh đồng trải thảm vàng hoa cúc. Nhớ, rất nhớ một chiếc áo hoa của mẹ, chiếc áo hoa thấm ướt những giọt mồ hôi, chiếc áo ở mãi trong kí ức ta để mãi sau này bao chiếc áo mới mẹ mặc đẹp lắm nhưng không chiếc nào ta nhớ như xưa nữa. Kì lạ thật. Thương nhớ dáng ai gầy rét run run trong chiếc áo mỏng manh vào chiều đông xưa ấy. Nhớ cháy lòng một đôi mắt buồn ám ảnh ta. Nhớ những giọt nước mắt bạn khóc ướt trên vai, nhớ cái nắm tay thật chặt níu kéo, nhớ những bức tường loang lổ những vết khắc trái tim.
Nhớ... và nhớ...
Nhớ tất cả những điều đã trở thành xưa cũ. 23 năm ta đi qua cuộc đời có biết bao nhiêu điều để nhớ. Bao điều đã tự nhủ lòng sẽ không bao giờ được quên. Nhưng ta đã sống vô tâm nên vô tình đánh rơi rớt dần từng kỉ niệm lúc nào không biết.
Nuối tiếc! Xót xa.
Đêm! Yên lặng mơ đưc trở về tuổi thơ.
Tuổi thơ có riêng khoảng trời bình yên rộng lớn, có nụ cười trong veo không vương chút bụi. Từ khi nào ta bỏ quên sự hồn nhiên. Ta trầm lặng! Cô độc! Ta gặm nhấm những tổn thương để lớn lên. Bước chân chông chênh giữa hai bờ buồn vui của cuộc sống. Hai năm trước, anh bảo ta già quá, con bé 21 tuổi chỉ thích nghe nhạc Trịnh, và nhạc buồn, Và ít khi nào anh thấy ta vui. Hai năm sau, con bé ấy bây giờ 23 tuổi anh không còn ở bên để nhìn thấy con bé vẫn già như thế, chưa kịp đổi thay. Nếu ta không đi qua những ngày tháng đổ vỡ tâm hồn đó, thì bây giờ ta là ai ? Ta có là ta yếu đuối thế này không ? Câu trả lời là dấu chấm lặng ! Thời gian có khi nào quay trở lại. Con tàu nào rời ga lăn bánh về tuổi thơ. Điều ước nào là viển vông. Điều ước nào là có thực cho cuộc sống bộn bề này.
Đêm! Ta thất vọng về ta. Bố dặn ta phải sống mạnh mẽ lên. Không được yếu đuối, không được nhu nhược. Bố dạy ta bài học tự khẳng định mình. Nhưng bài học hàn gắn những vết thương bố đã quên không dạy. Mà sự thực bố cũng không thể hiểu ta đã mang những tổn thương như thế . Bố lo lắng cuộc đời không bằng phẳng, với những xô bồ bon chen phức tạp, với giả dối sẽ xô bước chân ta vấp ngã. Những bài học cuộc đời bố dạy luôn luôn đúng. Và như thế đã hơn một lần ta gồng mình cố gắng trở thành ai đó khác.
Chơi vơi!
Hụt hẫng!
Đêm! Đi tìm định nghĩa về hạnh phúc.
Hạnh phúc là thế nào? Dù là ai? Dù làm gì? Dù sang, hèn? Niềm khát vọng mong đợi cho mỗi cuộc đời không phải là hạnh phúc sao. Với riêng ta hạnh phúc là cảm nhận thấy bình yên. Nhưng ta đi tìm bước chân lạc cả vào những giấc mơ sao chưa tìm thấy. Những khoảng trống lấp mãi không đầy. Có phải ta qua tham lam? Ta có gia đình yêu thương để trở về khi bước chân mỏi mệt trên đường đời rộng lớn. có cuộc sống sung sướng theo một nghĩa nào đó. Nhưng tại sao? Ai đã nói rằng," Hạnh phúc là khi biết đủ”. Nhưng thế nào là " Đủ" cho một kiếp người, có ai định nghĩa được không? Đừng lấy hạnh phúc của người này, làm thước đo hạnh phúc của người khác. Mọi sự so sánh trên đời này đều là sự khập khiễng thôi. Nhớ tới lời anh nói " Em hãy đứng lên bước đi, gói những tổn thương bỏ lại phía sau, đừng quay nhìn lại bước thẳng về phía trước, và hãy sống vô cảm một chút em sẽ thấy bình yên ". Ta tin. Rất tin lời anh nói. Nhưng chối bỏ con người cũ kĩ, đầy khiếm khuyết, yếu đuối , nhút nhát, bao năm qua ta có làm được không ?
Đêm! Ta học cách buông tay với những thứ ta không thể có được.
Đã thôi làm đứa trẻ lên 3 khóc đòi bằng được những gì nó muốn. Ta thôi giữ những tổn thương nước mắt về bạn để thấy ngạt thở. Ta đã nhặt hết những mảnh vỡ ghép lại 1 trái tim nguyên vẹn như ban đầu. Sáu năm đi bên lề cuộc sống của bạn, sáu năm quá ngắn cho một đời người, nhưng đủ dài cho một trái tim vỡ vụn cảm nhận hết những nỗi đau. Sáu năm ta đã nhìn bao lần bạn yêu và chia tay, nhưng chưa bao giờ ta ước muốn được trở thành một người con gái nào đó trong cuộc sống của bạn. Tại sao thế ? Ta cũng không biết ? Ta không còn cố gắng quên bạn nữa. Ta đứng chơi vơi giữa hai bờ quên - nhớ, ta thả trôi cảm xúc của mình, kệ cho bước chân thời gian khi nào sẽ đưa bạn bước ra khỏi trái tim ta.... Nhưng bạn cảm thấy có lỗi với ta, bạn thấy gánh nặng vì một người con gái mãi dành tình cảm cho bạn. ... Vì thế, ta đã học cách để quên bạn... Bạn còn nhớ hay bạn đã quên bài hát " Vô tình " ta gửi cho bạn trong chiều mưa ấy...
Cám ơn mặt trời cho tôi một chiều
Cám ơn cuộc đời cho tôi một người
... Người bước vào đền cho tim ta im vắng
... Rồi người cứ vô tình người đi
... Rồi người cứ vô tình người xa
...Giữ sao người đừng đi...
Giữ sao người đừng xa.
Giữ sao được phải không? Những giọt nước mắt vỡ tan hòa vào lời hát. Quang Dũng hát da diết phải không bạn ? Dù thời gian đã đi qua, dù trái tim ta đã không còn trôi về bạn nữa, ta vẫn tha thiết muốn nói với bạn " Cám ơn 1 người đã cho tớ một lần biết yêu. Dẫu cho tình yêu đó nhiều đắng cay và nước mắt. Dẫu mọi nỗi tổn thương chỉ riêng chỉ trái tim tớ thôi. Nhưng tớ chưa bao giờ nuối tiếc, tớ đã 1 lần dám sống trọn vẹn với con tim."
Sống Hạnh phúc bạn nhé.
Đêm! Nhớ về anh! Uớt mi!
Nhớ những con đường chở nỗi buồn chúng ta đã đi. Con đường ấy bây giờ là con đường cũ, quán xưa ấy cũng trở thành quán cũ, kỷ niệm là kỉ niệm cũ, và em và anh cũng là hai con người cũ. Tất cả đã cũ rồi phải không anh ? Ta nợ anh lời xin lỗi lặng câm, nợ những email không trả lời, nợ nụ cười, nợ niềm vui. Ta kể cho anh nghe câu truyện trái tim bị ghép nhầm rồi vỡ. Ta để anh ra đi như thế, bởi ta hiểu anh và ta chỉ là 2 người vô tình đi qua cuộc đời nhau, ta không thể là 1 nửa cuộc đời anh, và đâu đó dưới bầu trời này ta biết sẽ có người con gái đang đợi anh đến ghép nửa trái tim. Đêm nay lần cuối cùng nghe " Niệm khúc cuối " Rồi thôi.
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây.
Dù có gió, có gió lạnh đầy có tuyết bùn lấy..
Dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em.
Nghe bài hát cũ, và khóc nốt lần này nữa thôi. Ta gửi lại nguyên vẹn bài hát cho anh nhé, gửi cho cả người con gái sẽ đi bên anh đến hết cuộc đời này. Hà Nội sắp vào đông. Lạnh ! Sài Gòn, không có mùa đông. Cám ơn những bài học anh dạy. Cám ơn bàn tay anh đã giúp bước chân em không ngã. Cám ơn và xin lỗi cho tất cả những điều đã qua.
Đêm! Nuối tiếc ân hận cho những ngày tháng đã đi qua đã sống hoài sống phí. Ta chưa bao giờ nỗ lực hết mình cho những ước mơ nên thất bại. òa khóc. Nhớvề câu chuyện " Ngọn Nến"
" Có cây nến nhỏ bị bỏ quên lâu ngày, nến nằm buồn bã cho từng ngày ảm đạm vô nghĩa dần qua. Cho đến 1 ngày, sự cố bất ngờ căn nhà chủ bị mất điện, người ta mới chợt nhớ ra thật may mắn vì còn 1 ngọn nến sót lại. Khi nến được thắp sáng lên, từng giọt sáp rơi xuống, nến mỏng manh tan dần, tan dần. Chỉ còn ít phút nữa thôi, nến sẽ tan biến vào không khí. Nhưng vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, nến tỏa sáng lung linh hơn bao giờ hết, nến sống cuộc sống ngắn ngủi, nhưng nến đã sống cuộc sống trọn vẹn, đốt cháy hết mình. " Đó chỉ là câu chuyện anh kể ngày xưa, khi ta buồn ta khóc dằn vặt về những thất bại, khi ta đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Ước gì ta cũng dám một lần sống trọn vẹn như ngọn nến nhỏ nhoi kia.
Đêm! Đặt những nỗi buồn, những tổn thương, những gánh nặng trong lòng xuống.
Oà khóc nức nở như đứa trẻ thơ. Ngày mai đến, lau khô những giọt nước mắt đêm qua, bước chân ra đường, để lòng nhẹ tênh mỉm cười với cuộc sống, học cách biết sống yêu thương, chân thành.
Đêm! Rất dài và rất sâu.
Trong cuộc đời của mỗi con người có biết bao đêm đi qua. Nhưng sao khi nhìn lại cuộc đời thấy ngắn ngủi quá, ta vẫn chẳng làm được gì, vẫn sống vô nghĩa như thế.
"Cuộc đời có bao lâu đâu mà hờ hững"
Thôi tự nhủ cố gắng sống sao cho trọn vẹn mỗi ngày, ai cũng chỉ có một lần được sống, một lần để được ước mơ hy vọng, đừng để nuối tiếc và ân hận quá nhiều, đừng để phải cả cuộc đời nói " Gía như - Nếu thì "
Và như thế!
Đêm! Khép đôi mắt lại!
Giấc ngủ muộn chưa trọn vẹn, nhưng đêm nay ta thấy bình thản hơn rất nhiều đêm!
Một đêm buồn không ngủ!


Ước Mơ

"Một buổi sáng mùa hè 1998, tôi nhập viện vì bệnh viêm phổi. Suốt hai tuần, chỉ có con bọ ngựa mắt to lúng liếng quanh quẩn ở ngọn cây trước cửa sổ giúp tôi khuây khỏa.
Phạm Thị Hiền trong ngày nhận giải nhất cuộc thi Ước mơ sinh viên. Cô hứa sẽ dùng tiền thưởng tiếp tục làm từ thiện 
Trong ý nghĩ non nớt bấy giờ của bé gái tám tuổi gầy gò, ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ như một đứa trẻ lên năm, bệnh tật là một thứ gì đó thật kinh khủng vì nếu bị bệnh nặng thì sẽ không thể tới trường. Chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ, nếu tôi mắc bệnh nặng suốt đời, hay gia đình quá nghèo? Lúc bước vào cổng Học viện Ngoại giao, tôi chỉ mơ có bằng tốt nghiệp, kiếm một công việc; có sức khỏe, có nhà ở và cuộc sống của riêng bản thân ổn định là mãn nguyện rồi. Tới khi tham gia Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, học các kỹ năng giúp đỡ những người bất hạnh; rồi những tối mùa đông đi qua bao con phố, thấy những bà cụ mặc áo mưa đi bán hàng rong, những đứa trẻ khoác độc một tấm áo mong manh, cũ kỹ tới các quán nước xin tiền, tự nhiên tôi thấy ước nguyện của mình thật ích kỷ. Tôi vận động hiến máu nhân đạo từ 2008. Chúng tôi có mặt ở khắp nơi, từ quán nước, vỉa hè, bến xe, tới siêu thị, công ty, ngân hàng, khu công nghiệp, khu trọ, làng bản…dù nắng hay mưa, lạnh hay nóng. Có lần đi bộ cả ngày trời mấy chục cây số, khát nước, sưng chân, ăn đói và buổi tối đi xin tắm nhờ. Nhiều người không thông cảm, còn la mắng, thả chó đuổi, đêm về ứa nước mắt. Khó khăn vậy, nhưng vận động thêm một người đi hiến máu là vui sướng vô cùng. Năm thứ ba, tham gia SIFE, tôi nghĩ nên bắt đầu thứ gì đó cho các bệnh nhân bệnh về máu. Hầu hết họ từ nhỏ không được đi học, gia đình khó khăn, lớn lên không 


kiếm được việc làm, nên rất tự ti, mặc cảm. Và thế là tôi thành lập dự án hỗ trợ các bệnh nhân làm các sản phẩm handmade. Vì bắt đầu đi một con đường chưa ai đi nên tôi chia sẻ với rất nhiều người, đọc nhiều sách và tìm kiếm thông tin. Cuối cùng, tôi quyết định viết một bức thư gửi nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, cha đẻ nghệ thuật ghép tranh lá hoa khô tại Việt Nam. Bác đồng ý nhận tôi làm học trò. Mùa hè, tôi ở lại Hà Nội, lên đường Hùng Vương nhặt lá trò, rồi lại về rửa, phơi, nhuộm. Vài tháng trôi qua, chúng tôi quay trở lại bệnh viện.Nhưng thất bại đầu tiên của tôi là không lường trước việc các bệnh nhân máu khó đông tay yếu, không thể dùng súng bắn keo thuần thục và hơn nữa kỹ thuật này rất khó. Khóc suốt hai ngày, tưởng như dừng lại nhưng rồi cũng phải đứng lên, tôi đạp xe tới Bạch Mai gặp các bệnh nhân. Chúng tôi vượt qua tất cả, cuối cùng cũng làm được những tấm thiệp cuốn giấy đầu tiên. Ai ai cũng phấn khởi. Rồi đến lúc lo đầu ra sản phẩm. Bán ở trong nước rất khó, lại bế tắc, tôi quyết định tìm đường xuất khẩu. Tôi viết thư gửi cho các bạn ở nước ngoài. Giờ thì thiệp của dự án đã sang Mỹ và Châu Âu. Nhiều bạn đã có thể hướng dẫn lại cho những người khác. Khi bắt đầu ổn định, tôi mơ ước mở cơ sở sản xuất riêng cho các bệnh nhân, để chúng tôi không bị chèn ép và núp bóng dưới bất kỳ một công ty nào. Ước mơ có việc làm, cuộc sống ổn định, đâu phải chỉ của người bình thường? Biết khó khăn lắm, nhưng tôi vẫn đang cố gắng. Tôi muốn đi nhiều nơi, sang những nước xã hội tiến bộ, cả những nước nghèo khác để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều người nữa. 


Thời điểm khó khăn nhất là lúc tôi vừa học ở trường, học tiếng Anh, vừa cộng tác cho một tờ báo, vừa biên tập và viết bài cho báo trường, vừa vận động hiến máu, vừa quản lý đội tình nguyện, nhóm dự án, vừa học làm thiệp,… Cảm thấy quá áp lực, nhất là vào kỳ thi, hay những lúc bế tắc, trái gió trở trời sức khỏe lại yếu, tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả. Có nhiều đêm thức trắng, những buổi trưa đói meo đi học, cả tuần chỉ ăn đậu phụ, uống canh vì bớt tiền đi chợ để làm dự án khi chưa xin được tài trợ. Cứ nghĩ đến khuôn mặt những đứa trẻ trên giường bệnh, nhìn ra cửa sổ như đang tìm kiếm thứ gì, tôi lại có động lực đi tiếp. Chẳng có lý gì khiến tôi đầu hàng hay từ bỏ ước mơ cả. Ai đó nói rất đúng: “Tình nguyện không phải phi lợi nhuận, vì ta nhận được nhiều thứ quý hơn cả tiền.” Chiều tháng sáu, trở lại bệnh viện, qua cửa sổ của thư viện mà chúng tôi gây quỹ thành lập, tôi thấy một cô bé với bàn tay xinh xắn còn gài đầu cây kim nhọn, đang lật dở từng trang sách. Hẳn em vừa truyền thuốc. Giọt nước mắt còn sót lại lăn dài trên má em, khiến tim tôi bất thần rung lên nhè nhẹ, như thể gặp lại mình của hơn mười năm trước. Bạn có biết không, đất nước tôi gầy guộc bên bờ biển. Có nhiều nơi hẳn bạn sẽ cho là những nơi ở rất tồi tàn. Trẻ em phải lội suối trèo đèo tới lớp, đôi chân trần phồng rộp, đôi môi tím nhạt, lạnh tái tê với một manh áo cộc, ướt nhèm trong cái rét cắt da cắt thịt. Những cơn bão tàn khốc thèm nuốt chửng bao tổ ấm. Em bé dỡ mái ngói thu lu trên nóc, nước đục ngàu ngấp nghé dưới chân. Lại có mảnh đất khô cằn, nắng gió cháy da, cả mầm sống cũng chưa kịp mọc lên. Họ rất ít khi dám mơ đến cuộc sống phồn hoa nơi bạn, hay bất cứ một nơi nào trên thế giới, nơi nhọc nhằn dù chỉ bớt đi đôi phần bé nhỏ. Họ dựng những túp lều tạm bợ, lụp xụp. Họ muốn sống và chết đi tại đó. 

Phạm Thị Hiền, sinh viên Học viện Ngoại giao - Giải Nhất cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên"

No comments:

Post a Comment

Your comment: